Vàng hiện đang xác nhận tín hiệu giảm. Chiến lược bán vùng 1675-1680 đang có lợi nhuận. Tuy nhiên đà giảm hiện chưa thể mạnh được trong ngày thị trường chờ đợi số liệu lạm phát.
Thị trường kỳ vọng FED tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay hơn, có thể sẽ tiếp tục tăng 75 điểm cơ bản nếu như số liệu lạm phát vẫn cao như hiện tại và ngày mai CPI không đạt được mức kỳ vọng của thị trường
Dự báo Vàng đi ngang trong ngày hôm nay và chờ xác nhận giảm
Chiến lược ưu tiên bán vẫn được duy trì trong phiên ngày hôm nay
Tin tức thị trường
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 11/10 ban đầu đi lên nhưng kết phiên đa phần trong sắc đỏ khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi số liệu lạm phát trong hai ngày tới. Fed sẽ dùng các thông tin mới về giá cả để quyết định chính sách tiền tệ.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,65% còn gần 3.589 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rớt 1,1% còn 10.426 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Biểu đồ bên dưới cho thấy phiên 11/10 là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của cả hai chỉ số này.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ngược chiều khi tăng nhẹ 36 điểm, tương đương 0,12%, lên 29.239 điểm nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu y tế như Amgen và Walgreens Boots Alliance.
Giá trái phiếu giảm, đồng nghĩa với lợi suất đi lên. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến sát ngưỡng 4% quan trọng và kết phiên ở 3,943%. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng tăng lên mức 4,314%.
Các chỉ số cổ phiếu giảm khỏi đỉnh của ngày và lợi suất bật tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thông báo vào chiều 11/10 rằng các biện pháp can thiệp thị trường của BOE sẽ sớm kết thúc và các quỹ hưu trí của Anh sẽ chỉ có ba ngày để tái cân bằng danh mục.
Các quỹ hưu trí của Anh đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ nước này. Sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh công bố loạt chính sách cắt giảm thuế và tăng vay nợ vào cuối tháng 9, trái phiếu chính phủ Anh đã bị bán tháo khiến cho các quỹ hưu trí thua lỗ nặng. BOE đã phải can thiệp để giải cứu các quỹ.
Hiệp hội Quỹ hưu trí và Tiết kiệm cả đời của Anh đã đề nghị BOE kéo dài chương trình mua trái phiếu và ổn định thị trường đến ngày 31/10 hoặc "có thể lâu hơn nữa".
Tại Mỹ, các nhà đầu tư đang chờ đợi những số liệu lạm phát quan trọng được công bố trong tuần này để dự đoán xem Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất mạnh đến đâu để kiềm chế giá cả.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 sẽ lần lượt được thông báo vào ngày 12 và 13/10. Đến ngày 14/10, số liệu về doanh thu bán lẻ sẽ giúp nhà đầu tư và giới phân tích hiểu thêm về tình hình tiêu dùng của người dân.
Hai quan chức đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo nguy cơ suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, do lãi suất tăng trong khi các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng chậm lại.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva ngày 10/10 cho biết trong ba năm qua, thế giới đã phải trải qua những sự kiện khó tin và đang gây ra những hậu quả đáng kể như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine (U-crai-na) cùng các thảm họa khí hậu. Theo bà, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ một môi trường có lạm phát thấp và lãi suất thấp sang một thế giới "dễ biến động và mong manh hơn”.
Người đứng đầu IMF cho biết, Trung Quốc đang phải vật lộn với sự gián đoạn nguồn cung do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, và sự biến động trên thị trường nhà ở đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, trong khi lãi suất cao đã gây ra nhiều tác động ở Mỹ.