VietstockVietstock

IPO kém sôi động, thoái vốn Nhà nước cũng “ế” khách năm 2024

Năm 2024 đã bước vào những ngày cuối cùng. Thị trường năm qua đã có nhiều biến động xảy ra, vui buồn đan xen. Một trong những vết gợn là sự ảm đạm trên thị trường IPO (Initial Public Offering – Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

Cả năm 1 thương vụ IPO

Thống kê từ Deloitte, trong hơn 10 tháng đầu năm 2024, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp làm IPO tại Việt Nam. Thương vụ thực hiện từ tháng 1 (niêm yết tháng 7/2024), nhưng cho tới những ngày cuối năm, đó cũng là thương vụ duy nhất diễn ra.

Đơn vị duy nhất ấy là CTCP Chứng khoán DNSE DSE, cũng là thương vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Doanh nghiệp đã chào bán 30 triệu cp bằng phương thức dựng sổ, với giá khởi điểm 30,000 đồng/cp nhằm huy động 900 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD). DSE cũng cho biết sẽ đặt mục tiêu đạt 5 triệu khách hàng, nâng vốn hóa lên 3 tỷ USD (khoảng 72 ngàn tỷ đồng), hướng đến lợi nhuận 2.4 ngàn tỷ đồng trong 5 năm tới.

Thị trường IPO diễn ra ảm đạm trong năm 2024 với chỉ 1 thương vụ. Ảnh minh họa

Việc chỉ có 1 thương vụ diễn ra khiến Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng IPO thị trường Đông Nam Á của Deloitte. Tuy nhiên, điều đáng nói là cũng với thương vụ ấy, số tiền huy động được lại vượt xa so với năm trước (3 thương vụ IPO), và cũng gấp 5 lần giá trị trung bình các thương vụ IPO trong giai đoạn từ 2021-2023.

Thực tế, việc thị trường IPO Việt Nam ảm đạm đã được dự báo từ đầu năm. Tháng 3/2024, sau khi DSE niêm yết thành công, VNDIRECT vẫn cho rằng thị trường IPO sẽ khó sôi động trong giai đoạn tiếp theo vì nhiều nguyên nhân, như thị trường kém thanh khoản, hay những rào cản từ UBCKNN khi quy định Công ty IPO phải có 2 năm liên tiếp hoạt động có lãi thay vì 1 năm như trước kia, và không có lỗ lũy kế.

Bên cạnh đó, nền kinh tế năm qua vẫn có nhiều biến động, từ hậu quả của đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị. Cú sốc từ các vụ đại án khiến thị trường trái phiếu đóng băng, áp lực từ lãi suất tăng cách đây 2 năm, chứng khoán thất thường… cũng là nguyên nhân dẫn đến vắng nhiều cái tên góp mặt trên thị trường IPO.

Dù vậy, vẫn còn đó những điểm sáng để hướng đến năm 2025. Bởi lẽ dù thất thường, thị trường năm qua đã có những dấu hiệu phục hồi – ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo của Deloitte Việt Nam, đã nói.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi trong năm 2024, được hỗ trợ bởi các điều kiện vĩ mô tích cực và môi trường lãi suất thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán, nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư hướng đến 2025”.

Thoái vốn Nhà nước cũng ảm đạm

Không chỉ các đợt IPO, việc thoái vốn của các doanh nghiệp có vốn cổ phần Nhà nước cũng tỏ ra kém sôi động. Hiện mới chỉ có 4 thương vụ thoái vốn Nhà nước diễn ra, hầu hết trong 2 quý đầu năm.

Câu chuyện thoái vốn bất thành của SCIC thực chất không mới. Ảnh minh họa

Vào ngày 15/1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái sạch 30% vốn nắm giữ tại CTCP Tập đoàn Vinacontrol (HNX: VNC) thông qua hình thức đấu giá cả lô cổ phần gồm 3.15 triệu cp. Phiên đấu giá chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia – cũng là số lượng tối thiểu để đáp ứng yêu cầu tổ chức. Ông Phan Văn Hùng - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc VNC là người đã nhận số cổ phần này từ SCIC, với giá trúng gần 172 tỷ đồng.

Kế đó, vào 29/1, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) thuộc sở hữu của SCIC tổ chức bán đấu giá thành công toàn bộ cổ phần tại CTCP Vận tải biển Hải Âu SSG, gồm hơn 1.3 triệu cp (tương đương 26.56% vốn điều lệ). Số cổ phiếu được phân phối cho hai nhà đầu tư trong nước, với giá đấu bằng giá chào bán là 22,300 đồng/cp, tương đương khoảng gần 30 tỷ đồng.

Vào tháng 2/2024, HFIC (Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM) thông báo bán đấu giá toàn bộ quyền mua cổ phần CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC, HOSE: HCM). Số quyền mua này nằm trong đợt phát hành cổ phiếu tỷ lệ 2:1 mà HCM đưa ra, nhằm phục vụ nhu cầu tăng vốn.

Tổng cộng số quyền mua của HFIC là 105.77 triệu quyền, tương đương được mua khoảng 53 triệu cp. Với giá khởi điểm 7,523 đồng/quyền, ước tính HFIC có thể thu về tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày 28/2, đơn vị thuộc UBND TP.HCM chỉ bán được 120,400 quyền mua, thu về hơn 900 triệu đồng. Sau đó, HFIC tiếp tục bán hơn 105 triệu quyền còn lại, nhưng chỉ bán được 5.5 triệu quyền theo dạng thoả thuận với giá 7,500 đồng/quyền.

Cuối cùng là đợt thoái vốn của Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) tại CTCP Sorbitol Pháp – Việt (Sofavi). Vinachem muốn đấu giá hơn 7.1 triệu cổ phần Sofavi (tương ứng 43.18% vốn điều lệ). Tuy nhiên, khi phiên đấu giá kết thúc vào ngày 27/5, chỉ 1,100 cổ phần được bán thành công dành cho 2 nhà đầu tư, giúp Vinachem thu về vỏn vẹn gần 14.5 triệu đồng.

Như vậy, trong 4 thương vụ thoái vốn Nhà nước diễn ra, có tới phân nửa không đạt kết quả như kỳ vọng. Xen giữa các phiên đấu giá này và cả giai đoạn sau đó, SCIC nhiều lần thông báo đấu giá cổ phần tại một số đơn vị khác, nhưng đa phần bất thành do không đủ số lượng nhà đầu tư đăng ký.

Thực tế, câu chuyện thoái vốn bất thành của SCIC đã diễn ra nhiều lần tại các năm trước. Nguyên nhân đứng sau mới mà cũ, bởi về bản chất, một cuộc đấu giá thành công phụ thuộc rất lớn vào chất lượng mặt hàng đấu giá. Như trường hợp của Sofavi, Doanh nghiệp chỉ đạt 5.7 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng 560 triệu đồng trong năm 2023, và lỗ luỹ kế tới gần 74 tỷ đồng. Mặt hàng kém hấp dẫn, ắt ít người mặn mà.

Bên cạnh đó, mức giá khởi điểm và tình hình thị trường có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả đấu giá. Trường hợp của HCM, mức giá hơn 7,500 đồng/quyền mua có thể khiến nhiều người e dè trong bối cảnh giá vốn để mua 1 cp thời điểm ấy rơi vào khoảng 25,000 đồng/cp. Ngoài ra, giá trị của lô quyền đấu giá là tương đối lớn, còn thị trường chưa có một đợt "sóng thần" như năm 2021 nên sẽ có ít nhà đầu tư quan tâm.

Hải Âu

FILI


Plus de nouvelles provenant de Vietstock

Plus de nouvelles